CÔNG TY TNHH - TM - DV KỸ THUẬT ĐIỆN NGUYÊN HÙNG

Chuyên phân phối thiết bị bơm từ các thương hiệu nổi tiếng

Email : [email protected]

  Hotline

0931 74 75 76

Giật mình với bảo hiểm cháy nổ chung cư

Sau thảm họa cháy chung cư Carina Plaza (Q.8, TP.HCM) làm 13 người chết, cư dân sống ở nhiều chung cư mới giật mình tìm hiểu về việc mua bảo hiểm cháy nổ và vỡ lẽ nhiều điều.
Vụ cháy tại chung cư Carina
 /// Ảnh: Ngọc Dương
Vụ cháy tại chung cư Carina
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
 
Thanh Niên tổ chức Hội thảo giải pháp an toàn khi cháy nổ ở chung cư
Theo luật sư (LS) Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn LS TP.Hà Nội), căn cứ các văn bản pháp luật hiện hành thì việc mua bảo hiểm cháy nổ là bắt buộc đối với chung cư (CC) từ năm 2003. Tương tự, LS Trương Anh Tú (Đoàn LS TP.Hà Nội) cho hay về việc bảo hiểm cháy nổ cho tòa nhà, ngoài quy định tại luật Nhà ở, hệ thống pháp luật về bảo hiểm cũng có quy định rất rõ. Trong quá trình xây dựng công trình tòa nhà, chủ đầu tư phải mua bảo hiểm. Còn khi đã hoàn thiện, bàn giao, cư dân sẽ có trách nhiệm mua bảo hiểm cho căn hộ mình ở.
Dân tự mua bảo hiểm cho căn hộ
 
 
Thanh Niên tổ chức Hội thảo giải pháp an toàn khi cháy nổ ở chung cư
Hội thảo được phát trực tiếp trên kênh YouTube Báo Thanh Niên, fanpage Thanh Niên trên Facebook từ 9 giờ sáng nay 3.4. Khách mời gồm đại diện PCCC TP.HCM, Sở Xây dựng TP.HCM, doanh nghiệp bất động sản, chuyên gia luật… sẽ trao đổi về trách nhiệm của chủ đầu tư, người dân trong việc phòng chống cháy nổ; kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ; việc mua bảo hiểm cháy nổ và trách nhiệm bồi thường thiệt hại... Ngoài ra, các đại biểu cũng trao đổi về trách nhiệm của cơ quan chức năng trong kiểm tra chất lượng CC, chất lượng thiết bị PCCC, giám sát an toàn PCCC tại CC và nhà cao tầng hiện nay...
Thanh Niên
 
Quy định có từ lâu, nhưng thực tế hầu như không mấy ai quan tâm để thực hiện, thậm chí nhiều người dân sống ở CC không hề biết họ phải mua bảo hiểm cháy nổ. Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, đại diện cư dân CC Carina Plaza, cho biết hầu hết các hộ dân tại đây đều không biết quy định về bảo hiểm cháy nổ.
“Tôi tìm hiểu thì biết rất nhiều cư dân CC khi mua nhà về ở đều không biết, không nghe ban quản lý (BQL) nhắc đến bảo hiểm cháy nổ. Giờ gặp sự cố rồi thì mới nghe nhắc đến bảo hiểm. Chỉ có những hộ gia đình vay ngân hàng mua CC phải bắt buộc mua bảo hiểm thì các ngân hàng mới giải ngân. Theo thống kê, cho đến nay đã có 10 hộ tại CC Carina mua bảo hiểm vì vay tiền ngân hàng mua nhà bị thiệt hại trong vụ cháy”, bà Mai nói.
Ghi nhận của PV Thanh Niên chiều 2.4 tại một số CC ở TP.HCM như: Nguyễn Thái Bình (Q.1), Nguyễn Đình Chiểu (Q.1), Ehome 3 (Q.Bình Tân), Bộ Công an (Q.2)… cũng cho thấy đa số cư dân không hay biết về việc từng căn hộ phải mua bảo hiểm cháy nổ, mà nghĩ việc mua bảo hiểm cháy nổ là trách nhiệm của chủ đầu tư hoặc BQL CC. Ông Trần Văn Trung, Trưởng ban Quản trị CC Ehome 3, cho biết từ khi nhận nhà và vào ở tháng 11.2016 đến nay không thấy ai thông báo gì về việc mua bảo hiểm cháy nổ phần diện tích chung của tòa nhà và cho từng căn hộ. Tương tự, ông Trần Xuân Tỉnh, Trưởng BQL CC Nguyễn Thái Bình, khẳng định “xưa nay chưa mua bảo hiểm cháy nổ cho toàn CC và mỗi căn hộ cũng không ai mua bảo hiểm”.
Còn ông Phan Thanh Tài, Trưởng BQL CC Bộ Công an, cho biết sau vụ cháy Carina và CC Parc Spring, BQL CC đã thông báo cho cư dân mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. “Đối với diện tích thuộc sở hữu riêng là các căn hộ thì không được chủ đầu tư mua bảo hiểm cháy nổ, mà bảo hiểm này bắt buộc người dân CC phải mua. Người dân có thể mua thông qua BQL hoặc tự mua bảo hiểm bên ngoài không bắt buộc. Phí bảo hiểm cháy nổ của căn hộ được tính bằng tỷ lệ bảo hiểm nhân với giá trị từng căn hộ, dao động 1 năm khoảng 250.000 - 1,7 triệu đồng. BQL đã dán thông báo cho cư dân vì nếu khi xảy ra cháy nổ mà không có bảo hiểm thì không đảm bảo được quyền lợi cho mình”, ông Tài nhấn mạnh.
Ai mua bảo hiểm phần diện tích chung ?
Cũng theo ông Tài, chi phí mua bảo hiểm cho phần diện tích sở hữu chung, chủ đầu tư sẽ đại diện ký hợp đồng với một công ty bảo hiểm và thanh toán trước, sau đó cư dân thanh toán lại cho chủ đầu tư khi nhận thông báo phí. “Bảo hiểm cháy nổ cho phần sở hữu chung gồm nhà để xe, nhà cộng đồng, hành lang bao quanh CC, cầu thang, thang máy... và được chủ đầu tư mua hằng năm, cứ hết hợp đồng mỗi năm, chủ đầu tư tiếp tục mua bảo hiểm bắt buộc này”, ông Tài nói.
LS Nguyễn Thành Công (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng về nguyên tắc mua bảo hiểm cháy nổ CC thì phải mua cho toàn bộ tòa nhà, không mua từng phần và ai là người quản lý tòa nhà sẽ phải chịu trách nhiệm mua bảo hiểm đó. “BQL sẽ quyết định và chịu trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ. Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bán bảo hiểm dựa trên diện tích toàn bộ CC, các tài sản liên quan để tính mức bảo hiểm. Sau đó, BQL sẽ dựa vào diện tích từng căn hộ để tính phí bảo hiểm và thu từ các cư dân”, LS Công nói.
Trong khi đó, theo LS Trương Anh Tú, phần diện tích chung ở nhà CC thuộc trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ của ai vẫn là “góc khuất còn nhiều tranh cãi do các quy định pháp luật hiện chưa thực sự phân định rõ sở hữu phần diện tích chung, riêng ở nhà CC”, do đó chưa thể quy rõ trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ cho chủ đầu tư hay cư dân. “Tôi cho rằng với phần diện tích hầm, sảnh tòa nhà, hành lang... sử dụng chung thì CC nào đã thành lập được ban quản trị cần tổ chức hội nghị nhà CC, lấy ý kiến, biểu quyết dùng nguồn tiền quỹ bảo trì hay cư dân tự đóng góp hoặc nguồn kinh phí nào khác để mua bảo hiểm cháy nổ. Còn nếu CC vẫn do chủ đầu tư quản lý thì chắc chắn họ phải có trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ”, LS Tú nói.
Giật mình với bảo hiểm cháy nổ chung cư - ảnh 1
Sau vụ cháy CC Carina, người dân mới quan tâm nhiều đến mua bảo hiểm cháy nổ
ẢNH: TRÁC RIN
Xảy ra sự cố, bồi thường ra sao?
Theo LS Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM, người dân đã mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, khi phát sinh cháy nổ gây thiệt hại thì doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ bồi thường, trừ trường hợp cháy, nổ rơi đúng vào các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo luật quy định. Lúc này, sẽ xác định lại lỗi ai gây ra thì sẽ bên đó phải chịu trách nhiệm bồi thường. Mức bồi thường sẽ căn cứ theo loại bảo hiểm, mức phí mua xác định trong hợp đồng.
Một câu hỏi đặt ra, trường hợp xảy ra sự cố ở phần diện tích chung, nhưng gây thiệt hại ở “diện tích riêng” của cư dân, cụ thể trong vụ cháy CC Carina Plaza, thì bồi thường ra sao? Theo LS Nghiêm, việc Carina cháy ở bãi xe gây thiệt hại đến nhiều căn hộ khác, bảo hiểm bồi thường tới đâu trước tiên phải xem đến phạm vi bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm giữa các bên. “Nếu doanh nghiệp bảo hiểm không nhận bảo hiểm cho bên thứ 3 thì các căn hộ bị ảnh hưởng sẽ không được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường. Lúc này, các cư dân liên quan phải yêu cầu bên gây ra lỗi bồi thường thiệt hại, khi này sẽ là trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng”, LS Nghiêm nói.
Theo tìm hiểu của PV, chủ đầu tư CC Carina là Công ty Hùng Thanh ngày 1.9.2017 đã sử dụng kinh phí bảo trì CC ký hợp đồng với Công ty bảo hiểm PVI Đà Nẵng mua bảo hiểm, mức phí 107 triệu đồng, số tiền bảo hiểm 357 tỉ đồng, thời hạn đến hết ngày 1.9.2018. Trong đó, đối tượng được mua bảo hiểm gồm: giá trị xây dựng tòa nhà kèm các thiết bị hệ thống điện, nước, xử lý nước thải, hệ thống chữa cháy tự động, cấp nước chữa cháy vách tường, báo cháy tự động, chống sét đánh thẳng cửa chống cháy, đèn chiếu sáng sự cố - exit (thoát hiểm), màn nước ngăn cháy, buồng thang và các thiết bị liên quan đến tòa nhà; đồng thời mức bồi thường
thiệt hại cho người thứ 3 tối đa 500 triệu đồng. Chiều 2.4, đại diện bảo hiểm PVI xác nhận với PV Thanh Niên về hợp đồng này và cho biết ngay sau vụ cháy, bảo hiểm đã cử người tới hiện trường phối hợp với người được bảo hiểm, cơ quan chức năng, chỉ định giám định viên đánh giá tổn thất nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả. “Tuy nhiên, trách nhiệm cuối cùng của chủ đầu tư và của các công ty bảo hiểm trong vụ hỏa hoạn này sẽ được xác định cụ thể sau khi có kết quả điều tra của các cơ quan chức năng. Hiện cơ quan chức năng đang trong quá trình giám định tổn thất và cơ quan điều tra đang xác minh vụ việc nên PVI chưa thể xác định được trách nhiệm bồi thường cụ thể tại thời điểm này”, đại diện PVI nói.
Trong khi đó, đại diện Công ty Hùng Thanh khẳng định “trong trường hợp có kết luận trách nhiệm bảo hiểm, nếu số tiền bồi thường vượt quá 500 triệu đồng (bảo hiểm) thì chủ đầu tư sẽ chịu mọi chi phí bù vào với chủ trương không để cư dân bị thiệt”. Ông này cũng cho biết từ ngày 27.3 đã phối hợp với chủ xe bị hư hại đưa đến các tiệm sửa, đang hỗ trợ 100% tiền sửa xe cho chủ của 148 xe máy, 35 ô tô (bị hư hỏng). Dự kiến ngày 3.4, chủ đầu tư sẽ bắt đầu liên lạc với chủ 280 xe máy, 11 ô tô (bị cháy rụi) đối chứng, kiểm tra để tiến hành bồi thường.
Căn hộ CC Parc Spring cháy do pin dự phòng phát nổ
Bị phạt 400.000 đồng vì đốt nhang cúng dưới hầm xe chung cư
Chiều 2.4, Phòng Cảnh sát PCCC Q.2 cho biết nguyên nhân ban đầu vụ cháy căn hộ tại lầu 8, lô A, chung cư Parc Spring (đường Nguyễn Duy Trinh, P.Bình Trưng Đông, Q.2) chiều 1.4 là do cục pin dự phòng cắm sạc lâu ngày, chủ nhà đi vắng nên phát nổ. Tia lửa bắn vào chồng sách, nệm nên bắt lửa gây nên vụ cháy. Cảnh sát PCCC, đã có mặt kịp thời dập tắt ngọn lửa và hướng dẫn cho hàng trăm người tại đây thoát xuống đất an toàn.
Cùng ngày, Phòng Cảnh sát PCCC Q.2 cho biết đã lập biên bản xử phạt 400.000 đồng đối với một chủ ô tô vì đốt nhang cúng dưới hầm xe T1 CC Thảo Điền Masteri (P.Thảo Điền, Q.2). Theo đó, tối 1.4, nhiều người dân sống tại CC Thảo Điền Masteri hoảng hốt phát hiện một người đang đốt nhang cúng ô tô dưới hầm xe T1 nên chụp hình và báo Công an P.Thảo Điền và Phòng Cảnh sát PCCC Q.2. Phòng Cảnh sát PCCC đã đến kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt chủ ô tô nói trên. Công Nguyên
 
Dân chung cư Hà Nội kêu về PCCC
Những ngày qua, cư dân tại nhiều nhà chung cư trên địa bàn Hà Nội đồng loạt lên tiếng yêu cầu các chủ đầu tư phải đảm bảo quyền lợi của người mua nhà, nhất là về phòng cháy chữa cháy.
Theo phản ánh của nhiều cư dân tại tòa nhà Hei Tower ở số 1 Ngụy Như Kon Tum (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) có chủ đầu tư là liên doanh Tổng công ty điện lực Hà Nội và Công ty cổ phần đầu tư điện lực Hà Nội, họ từng nhiều lần kiến nghị về những bất cập trong công tác PCCC nhưng vẫn không được chủ đầu tư và ban quản lý tòa nhà giải quyết. Chiều 28.3, hàng trăm cư dân đã tập trung trước sảnh tòa nhà căng băng rôn kêu cứu vì tòa nhà trong tình trạng mất an toàn PCCC, chủ đầu tư chưa chịu bàn giao quỹ bảo trì cho cư dân, cửa thoát hiểm tòa nhà bị chặn để phục vụ quán cà phê trên tầng mái, "xẻ thịt" nhà sinh hoạt cộng đồng để cho thuê làm quán cà phê... “Nhiều lần cư dân muốn đối thoại với chủ đầu tư nhưng không được đáp ứng. Trước tình hình cháy nổ tại các khu chung cư (CC) có những diễn biến phức tạp, người dân căng băng rôn để kêu cứu các cấp chính quyền vào cuộc”, chị Phạm Hoàng Uyên, cư dân tòa nhà Hei Tower, bức xúc.
Liên tục trong nhiều ngày qua, “liên minh” cư dân CC Capital Garden ở 102 Trường Chinh (Q.Đống Đa, Hà Nội) và khách hàng mua căn hộ tại dự án Discovery Complex tại 302 Cầu Giấy (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) tập trung tố chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư xây dựng phát triển thương mại Kinh Đô (Kinh Đô TCI Group) không giữ đúng cam kết khi bán nhà. Cư dân yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thành hệ thống PCCC để cơ quan chức năng cấp chứng nhận PCCC, đảm bảo an toàn cho cư dân. Bên cạnh đó, cư dân CC cũng tố chủ đầu tư đã tự ý thay đổi nhiều hạng mục tòa nhà như: tại tầng 2 chuyển diện tích từ siêu thị thành văn phòng làm việc, bể bơi, phòng tập; toàn bộ tầng 3 được chuyển từ siêu thị thành căn hộ; tầng kỹ thuật 1, tầng cây xanh, tầng kỹ thuật 2 cũng bị biến thành căn hộ; từ tầng 4 đến tầng 15 đều bị chủ đầu tư chia nhỏ căn hộ từ 16 thành 18 căn hộ...
Trong khi đó, hàng trăm cư dân tại một số tòa nhà khác trên địa bàn Q.Hà Đông và Q.Nam Từ Liêm (Hà Nội) cũng căng băng rôn, khẩu hiệu với nội dung cầu cứu cơ quan chức năng giải quyết giúp tình trạng vi phạm an toàn PCCC, khắc phục triệt để tình trạng báo cháy giả...
PV Thanh Niên đã liên hệ với các chủ đầu tư bị cư dân và khách hàng "tố" như nêu trên nhưng đều không nhận được phản hồi. Trao đổi với PV Thanh Niên, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư VN, cho biết: “Cháy nổ là yếu tố do con người gây ra, không phải thiên tai, rất nguy hiểm đến tính mạng nhiều người nhưng ở nước ta nhiều chủ CC lại coi thường. Đây là lỗi hệ thống từ chủ đầu tư, cơ quan chức năng và chính cư dân cũng thờ ơ với sự an toàn của mình. Vụ cháy CC Carina Plaza ở TP.HCM là hồi chuông báo động tình trạng coi thường, xem nhẹ an toàn nhà CC”, KTS Tùng nói.
TS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, cho biết để hạn chế tình trạng nhà CC kém chất lượng, không an toàn, cư dân tập trung phản đối tiềm ẩn bất ổn thì cần nâng cao chất lượng quy định pháp luật, năng lực, đạo đức đội ngũ thực thi pháp luật về xây dựng. “Khi cán bộ thực hiện nghiêm, doanh nghiệp không thể luồn lách để tạo ra những sản phẩm kém chất lượng để bán. Khâu thanh tra, hậu kiểm trước khi bàn giao nhà cũng cần được nâng cao chất lượng. Đồng thời, người mua nhà cũng phải tự trang bị kiến thức pháp luật và cương quyết từ chối mua, nhận những sản phẩm chưa đảm bảo chất lượng, không đúng với hợp đồng mua bán đã ký kết ”, TS Liêm nói.
Lê Quân
 
 

Thông tin công ty

CÔNG TY TNHH - TM - DV KỸ THUẬT ĐIỆN NGUYÊN HÙNG

Mã số thuế: 0303838256 - Cấp ngày: 23/10/2006 - Cấp bởi: SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TPHCM
Địa chỉ : C4A/3A/2A Ấp 3A, Xã Vĩnh Lộc B, Bình Chánh
Cửu hàng : 340 Quốc Lộ 1A, P. Bình Hưng Hòa B, Q. Bình Tân , TP.HCM
Hotline : 0931. 74 75 76  
             0988 99 77 86 
             0917 206 459
Tiếp nhận phản ánh chất lượng hàng hóa: 0931. 74 75 76  

Bản đồ